Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch

VHO- Hiện nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế có gần 20 di tích và các điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó 9 di tích đã được xếp hạng. UBND tỉnh vừa thông qua đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” nhằm khai thác, phát huy các thế mạnh, tiềm năng của di tích gắn với các chương trình trọng điểm du lịch dịch vụ của địa phương.

Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch - Anh 1
 

 Du khách tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 16.000 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với hệ thống gần 20 di tích và các điểm di tích lưu niệm có liên quan đến Người, Thừa Thiên Huế là địa phương sở hữu nhiều di sản quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, gồm 4 di tích: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, TP Huế); Trường Quốc học (12 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế); Đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang).

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thời điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng và các điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương đã đón khoảng 120.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu, trong đó có khoảng 9.000 lượt khách quốc tế. Theo đề án nói trên, năm 2021 sẽ xây dựng và đưa vào thực nghiệm các sản phẩm du lịch phù hợp, như: Tour tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại địa phương; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển các dịch vụ văn hóa tại các di tích và đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan từ năm 2022. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phấn đấu đến năm 2025, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cơ bản được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi mới trưng bày, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hệ thống điểm tham quan du lịch của tỉnh nhà. Mục tiêu, mỗi năm lượng khách tham quan đến Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế sẽ tăng từ 5-10%.

Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch - Anh 2

 Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Huế

Để triển khai đề án, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương sẽ tập trung nhiều nội dung quan trọng như: mở rộng không gian trưng bày tại cụm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; tu bổ di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người; tu bổ, chỉnh trang cảnh quan vườn hoa tại di tích địa điểm trường Tiểu học Việt Pháp - Đông Ba; chỉnh lý nội dung Phòng truyền thống và lưu niệm Bác Hồ tại trường Quốc Học; tiếp tục đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế; sưu tầm các tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế… UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch và Sở VHTT xây dựng, thiết kế tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”, quảng bá sản phẩm du lịch đến với du khách. Ngành văn hóa cũng chủ động phối hợp, liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt động tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm, chiếu phim tư liệu tại bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Để công tác quảng bá hiệu quả, ngành văn hóa cũng sẽ xây dựng bộ nhận diện (logo, màu sắc, bảng hiệu…) về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; biên soạn và xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về bảo tàng và các hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động phục vụ du khách… Kinh phí thực hiện đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” là hơn 4,1 tỉ đồng.

Thời gian qua, các điểm tham quan di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế chưa chú trọng trong việc khai thác các dịch vụ văn hóa. Triển khai đề án này, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ và trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tàng và mở rộng các loại hình dịch vụ tại bảo tàng và các di tích. Việc khai thác các dịch vụ văn hóa nhằm phục vụ khách tham quan, nhưng không ảnh hưởng đến di tích; việc khai thác du lịch phải gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường di tích. Trong đó, ưu tiên phối hợp với các địa phương để tổ chức các điểm dịch vụ với sản phẩm truyền thống; bổ sung các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn… 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc